Trang chủ Giới thiệu Giới thiệu trường

TRƯỜNG TIỂU HỌC PHAN CHU TRINH NGÔI TRƯỜNG GIÀU TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ

25/05/2022 1851

TRƯỜNG TIỂU HỌC PHAN CHU TRINH

NGÔI TRƯỜNG GIÀU TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ

 

Trên con phố Nguyễn Thái Học rợp bóng cây, có một ngôi trường nhỏ,xinh xắn mang tên nhà chí sĩ yêu nước - Trường Tiểu học Phan Chu Trinh. Ít ai biết rằng, ngôi trường nhỏ bé ấy lại chính là trường học đầu tiên do Mặt trận Việt Minh thành lập sau Cách mạng tháng Tám nhằm mang đến cho thanh thiếu niên và nhi đồng thời ấy một nền giáo dục kiểu mới.

 

I. GIAI ĐOẠN 1 (NĂM HỌC 1946 – 1947) NGÔI TRƯỜNG CỦA MẶT TRẬN VIỆT MINH

 

Ngày 2 - 9 - 1945, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, chính thức khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tròn một năm sau…

Một sáng đẹp trời mùa thu năm 1946, trên con phố Phan Chu Trinh (nay là phố Nguyễn Thái Học - Ba Đình - Hà Nội), tấp nập nam nữ học sinh đi dự lễ khai giảng với niềm vinh dự, náo nức khác thường - Trường Phan Chu Trinh - ngôi trường mang tên nhà chí sĩ yêu nước nổi tiếng chính thức ra đời, tiền thân của trường Tiểu học Phan Chu Trinh ngày nay.

Theo báo “ Gió Mới” của Tổng hội Sinh viên xuất bản năm 1946, chúng ta có được các thông tin về trường Phan Chu Trinh lúc đó:

 - Bậc Tiểu học khai giảng ngày 16 / 9 / 1946.

 - Bậc Trung học (Phổ thông Trung học và Chuyên khoa) khai giảng ngày 1/10/1946.

 

 

Ngày ấy ở Hà Nội, các trường  như Trường Bưởi, Văn Lang, Hoàng Diệu, Trường Nữ sinh Hai Bà Trưng,... đều do người Pháp xây dựng nên. Khác biệt hoàn toàn, Trường Phan Chu Trinh là ngôi trường đầu tiên do Mặt trận Việt Minh thành lập sau Cách mạng Tháng Tám nhằm mang đến cho Thanh niên và Nhi đồng thời ấy một nền giáo dục kiểu mới. Chính vì vậy, ngôi trường được người dân yêu mến gọi là: trường của Mặt trận Việt Minh. Hiệu trưởng đầu tiên của nhà trường chính là Đại biểu Quốc hội khóa I, Bộ trưởng Bộ giáo dục, nhà Văn hóa Giáo dục - Giáo sư Đặng Thai Mai.

Trong những ngày đầu thành lập, giáo viên chính của trường là các học giả, giáo sư, nhà khoa học, nhà văn, những nghệ sĩ mà tên tuổi của họ mãi là niềm tự hào của dân tộc. Ngoài ra, trường còn gần 50 giáo viên khác là các nhà văn và sinh viên trong tổ chức Sinh viên Cứu quốc thuộc Mặt trận Việt Minh.

Ngay đầu năm học, vào trung tuần tháng 10 - 1946, Trường Phan Chu Trinh vinh dự, tự hào được đón Bác Hồ về thăm. Lời dặn dò của Bác: “Đoàn kết, thi đua dạy tốt, học tốt” là động lực giúp nhà trường sau này vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để phát triển, vươn lên không ngừng.

 

 

 

 

Thế hệ giáo viên đầu tiên của nhà trường  là những người con ưu tú của đất nước: Đó là nữ giáo sư Nguyễn Khoa Diệu Hồng, Phạm Thị Châm Liên, các thầy Ngụy Như Kon Tum; Hoàng Xuân Tùy, Quang Đạm, Thép Mới, Lê Tuấn, Nguyễn Bá Huân, Xuân Thảo…, các văn nghệ sĩ gạo cội như nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung, họa sĩ Phan Kế An, nhà thơ Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Xuân Sanh; nhà văn Vũ Ngọc Phan…. Và còn nhiều, rất nhiều những nhà văn hóa, khoa học, nghệ sĩ… mà tên tuổi của họ mãi được vinh danh.

         

Thế hệ học sinh đầu tiên của trường  phần lớn là các thanh niên, thiếu niên đã từng tham gia các đoàn thể cứu quốc, sau khi Cách mạng Tháng Tám thắng lợi được Mặt trận Việt Minh chủ trương đưa trở lại trường học tập văn hóa. Tất cả đều vinh dự, tự hào khi được học tập ở ngôi trường của cách mạng, được thấm thía ý nghĩa tự do của người dân một nước độc lập. Các gương mặt tiêu biểu là: Trung tướng Phạm Hồng Cư, Thiếu tướng Hồ Phương, nhà thơ Chính Hữu, nhà văn Nguyệt Tú, luật sư Ngô Bá Thanh, Kiến trúc sư Đặng Thái Hoàng….

 

II. GIAI ĐOẠN 2 (1947  - 1954) “QUYẾT TỬ CHO TỔ QUỐC QUYẾT SINH”

 

Tuy nhiên, chưa đầy 3 tháng sau ngày khai giảng, trường phải tạm đóng cửa để cùng cả nước tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Xếp lại bút nghiên, những học sinh của trường đã tham gia các tổ chức cứu quốc với khẩu hiệu: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.  Thanh niên, thiếu niên Trường Phan Chu Trinh tham gia đông nhất trong số các học sinh Hà Nội tình nguyện làm “Cảm tử quân” thời bấy giờ. Những bước chân chỉ quen trên đường nhựa Hà Nội, vậy mà khi Tổ quốc lâm nguy, họ không ngại leo núi, trèo đèo, lội suối trên khắp các ngả đường chiến khu Việt Bắc, có mặt trên khắp các mặt trận, các ngành, các địa phương… để tham gia kháng chiến cứu quốc.

 

III. GIAI ĐOẠN 3 (1954  - 1975) VƯỢT QUA BOM ĐẠN CHIẾN TRANH – THỰC HIỆN TỐT NHIỆM VỤ “TRỒNG NGƯỜI”

 

Ngày 10 - 10 - 1954, nhân dân Hà Nội hân hoan đón mừng những đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô. Sau 9 năm kháng chiến, Trường Phan Chu Trinh tiếp tục mở cửa đón học sinh đến trường học tập và rèn luyện. Giai đoạn này, trường trải qua nhiều thay đổi.

Thời kì đầu sau giải phóng, trường dạy cấp 2 và mang tên nhà trí thức cách mạng Phan Thanh. Hiệu trưởng là thầy Vũ Đình Khoa, thầy Bùi Ý làm giám học, thầy Hà Hoàng Châu làm quản lí.

Đến năm học 1958 - 1959, trường dạy cả cấp 1 và cấp 2, tiếp tục mang tên nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh. Hiệu trưởng nhà trường là thầy Bùi Ý, tiếp theo là thầy Nguyễn Danh Ngôn.

Năm học 1964 - 1965 trường Cấp 2 chuyển đi, Trường Cấp 1 Phan Chu Trinh tiếp tục ở lại địa chỉ số 40 - 42 Nguyễn Thái Học. Hiệu trưởng nhà trường lần lượt là các cô: Nguyễn Thị Quỳnh, Nguyễn Thị Lý.

Trong giai đoạn đất nước gặp nhiều khó khăn do bị chiến tranh tàn phá, thầy và trò Trường Phan Chu Trinh vẫn kiên cường vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, nêu cao tinh thần chiến đấu, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, góp phần đào tạo các thế hệ học sinh có đức, có tài, có sức khỏe, tri thức, góp phần kiến thiết nước nhà và tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tháng 2 - 1965, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất. Miền Bắc nhanh chóng thực hiện chủ trương quân sự hóa toàn dân, đào đắp công sự chiến đấu, hầm hào, phân tán dân khỏi những vùng trọng điểm để tránh thiệt hại lớn. Trong hoàn cảnh đó, để trẻ em trong các gia đình bám trụ lại Hà Nội không thất học, một số trường, trong đó có Trường Cấp 1 Phan Chu Trinh tiếp tục mở cửa để đón các em học sinh đến trường học tập. Những năm đó, hiệu trưởng nhà trường là thầy Nguyễn Bá Thông.

 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân về thăm hội trại của trường Phan Chu Trinh A 

(Hội trại đạt giải Nhất Thành phố)

 

Các thế hệ giáo viên và học sinh Trường Phan Chu Trinh ngày ấy vẫn còn nhớ: đến trường, học sinh không chỉ được học chữ mà còn được học cách sinh tồn trong chiến tranh, học cách tránh bom đạn, cách băng bó vết thương… Khi tiếng kẻng báo động máy bay Mỹ ném bom vang lên, dưới sự chỉ đạo của thầy Hiệu trưởng và sự hướng dẫn của các thầy cô giáo, học trò đội mũ rơm chạy ra các hầm sơ tán cá nhân phía trước cổng trường hoặc các hầm chữ A ở khoảng đất trống cạnh trường... Hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, sự ác liệt của bom đạn chiến tranh không thể lay chuyển ý chí, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục của các thầy cô giáo cũng như lòng ham học của các thế hệ học trò thời đó.

Năm 1969, sau khi chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ kết thúc, Thủ đô Hà Nội tạm thời được yên bình trở lại. Trên các nẻo đường lại nhộn nhịp bước chân học sinh đi sơ tán trở về, háo hức đến lớp, đến trường. Để đáp ứng nhu cầu học tập của đông đảo học sinh Thủ đô lúc bấy giờ, trường đã có nhiều thay đổi. 

 

 

Một tiết học sôi nổi của thầy và trò năm  học 1969 - 1970

 

Năm học 1969 - 1970, Trường Cấp 1 Phan Chu Trinh tách thành 2 trường:

Học buổi sáng là Trường Cấp 1 Phan Chu Trinh A do thầy Nguyễn Bá Thông làm Hiệu trưởng.

Học buổi chiều là Trường Cấp 1 Phan Chu Trinh B do cô Lê Lan Khanh làm Hiệu trưởng và tiếp theo là cô Nguyễn Ngọc Minh.

 

 

Lễ khai giảng năm học 1971 - 1972

 

Năm học 1972 – 1973, hai trường sáp nhập thành một trường Cấp 1 do thầy Nguyễn Bá Thông làm Hiệu trưởng và Hiệu phó là: thầy Nguyễn Văn Vĩnh, thầy Nguyễn Văn Sen, thầy Nguyễn Quang An, cô Nguyễn Ngọc Minh, cô Đào Thị Hoàn. 

 

 

Một tiết học thủ công của học sinh lớp 4.

 

Trong giai đoạn này,  nhiệm vụ xây dựng và kiến thiết miền Bắc trở thành nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của mỗi người dân trong đó có thầy và trò nhà trường. “Sức mạnh không chỉ là khả năng chịu đựng gian khó, sức mạnh là khả năng tạo ra một cuộc sống mới sau gian khó." - câu nói nổi tiếng của nhà văn Mỹ Scott Fitzgeralci - đã được một lớp thế hệ giáo viên Trường Phan Chu Trinh cách đây hơn 40 năm chứng minh vào chính sự nghiệp giáo dục của mình.

Hưởng ứng các phong trào thi đua: noi gương các tấm gương điển hình “Sóng Duyên Hải”, “Trống Bắc Lý”, “Gió Đại Phong”, “Cờ Ba nhất”, các cán bộ, giáo viên của Trường Phan Chu Trinh đã từng bước xây dựng được phong trào học tập sâu rộng. Biết bao khó khăn, gian khổ không thể kể hết. Cơm chỉ có rau và chia nhau nửa cái bánh mì, nhưng cuộc sống luôn tràn đầy nhiệt huyết. Tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đã nỗ lực phấn đấu, thi đua không ngừng.  Họ hăng hái xây dựng các tổ đội xuất sắc, đào tạo học sinh giỏi, luyện nét chữ, rèn nết người cho học sinh. Trong kí ức xưa, vẫn còn đó hình ảnh các thầy Nguyễn Minh Ngọc, Nguyễn Quý Phùng, các cô Trịnh Thu Thái, Trương Thị Phú, Nguyễn Thúy Huê, Lê Thị Sửu, Nguyễn Thị Hà, Lê Thị Tuyết, Lê Kim Oanh,... ngày ngày miệt mài bên trang giáo án, cần mẫn tự làm giáo cụ trực quan, say sưa hướng dẫn múa hát cho học trò. Tối tối, các thầy, các cô và cả thầy Hiệu trưởng còn đạp xe đến từng nhà học sinh thăm góc học tập và nhắc nhở các em có ý thức tự giác học tập ở nhà… Trong những câu chuyện kể của học sinh thời đó, vẫn còn nhắc về tiếng kẻng vang trên các con phố mỗi tối. Đó chính là tiếng kẻng của thầy cô giáo trường Phan Chu Trinh nhắc các em học sinh ngồi vào bàn ôn bài.

 


 

Một tập thể giáo viên nhà trường đã hết lòng vì sự nghiệp giáo dục

 

 

Một tập thể giáo viên nhà trường đã hết lòng vì sự nghiệp giáo dục

 

 

Những nỗ lực, cố gắng của các thầy cô đã được ngành Giáo dục - Đào tạo ghi nhận. Năm học 1969 - 1970, Trường Cấp 1 Phan Chu Trinh được công nhận là trường Xuất sắc cấp Thành phố. Năm học 1970 - 1971, trường đã xây dựng được Tổ Lao động XHCN đầu tiên và duy nhất của ngành giáo dục Hà Nội, được công nhận là trường dẫn đầu phong trào Viết chữ đẹp của Thủ đô, là trường có nhiều học sinh giỏi toàn miền Bắc. Các phong trào múa hát văn nghệ của nhà trường luôn giành giải Nhất trong các cuộc thi của Thành phố… Tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường được Bộ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Văn Huyên trực tiếp tặng cờ thi đua tại Nhà hát Lớn - Hà Nội.

 

 

Trường Cấp 1 Phan Chu Trinh tham dự Hội nghị tổng kết phong trào thi đua Viết chữ đẹp và Học sinh Giỏi của Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội

 

Tháng 4/1972, Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai với quy mô và cường độ ác liệt hơn hẳn lần thứ nhất. Miền Bắc nhanh chóng chuyển mọi hoạt động từ thời bình sang thời chiến. Tuy nhiên, với lòng yêu nghề của giáo viên, sự ham học của học sinh, thầy trò nhà trường đã tiếp tục duy trì hoạt động dạy và học dưới làn bom đạn chiến tranh. Chính sự dũng cảm, gan dạ, không chịu khuất phục đó, đã góp phần tôi luyện tinh thần, ý chí của thầy và trò, đồng thời bồi đắp thêm truyền thống vẻ vang của nhà trường.

Những thế hệ học sinh nhà trương được tôi luyện trong chiến tranh đã trưởng thành xuất sắc, đóng góp rất lớn trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước và trong  công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước sau này. Các gương mặt tiêu biểu phải kể đến là: Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ Bộ Nội vụ Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân,…

 


 

 

 

 

Từ ngôi trường nhỏ bé, đơn sơ này, biết bao thế hệ học sinh đã trưởng thành, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

IV. GIAI ĐOẠN 4 (1975  - 1991) XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TRONG THỜI KÌ MỚI -  ĐẤT NƯỚC HÒA BÌNH, THỐNG NHẤT

 

Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà. Trong niềm vui hân hoan của cả dân tộc, ngành Giáo dục - Đào tạo cũng có những đổi mới phù hợp với lịch sử đất nước.

Năm học 1976 - 1977, Trường mang tên Trường Phổ thông Cơ sở Cấp 1, 2 Phan Chu Trinh. Hiệu trưởng là thầy Vũ Đình Đương. Những năm học tiếp theo, Hiệu trưởng nhà trường gồm các thầy cô:

- Cô Hoàng Thị Tám (từ năm 1978 - 1979)

- Cô Lê Kim Thanh (từ năm 1979 - 1987)

- Nhà giáo Ưu tú - thầy Vũ Thượng Hậu (từ năm 1987 - 1991)

 

 

Lễ khai giảng năm học 1988 - 1989

 

Cùng các Hiệu phó là cô Đào Thị Hoàn, thầy Nguyễn Văn Phú, cô Phùng Thị Nga, cô Nguyễn Thanh Châu, cô Nguyễn Thị Hòa, cô Vũ Thị Minh Hiền.

Mặc dù chiến tranh đã kết thúc nhưng trong giai đoạn này, cuộc sống vẫn còn muôn vàn khó khăn. Song các thầy giáo, cô giáo vẫn bền bỉ, say mê, gắn bó với sự nghiệp “trồng người”. Những bữa cơm độn khoai, độn sắn không làm mất đi ngọn lửa nhiệt huyết trong trái tim các thầy, các cô. Các thầy, cô đã mang đến cho học sinh ngày ấy bài học bổ ích, thắp sáng những ước mơ và hun đúc hoài bão xây dựng một tương lai tươi sáng.

 

 

 

 

Lớp chuyên Tiếng Nga giao lưu với giáo viên Liên Xô.

 

 

Cho đến bây giờ, các thế hệ học sinh ngày ấy vẫn còn xúc động khi kể về những hoạt động tập thể do nhà trường tổ chức như hái hoa dân chủ, cắm trại, đồng diễn thể dục,…thật giản đơn mà chan chứa niềm vui, ý nghĩa. Vẫn còn đó kỉ niệm thầy Hà Lê Trường mở tại nhà riêng một thư viện sách Tiếng Nga cho học sinh đến mượn và đọc ngay tại nhà. Còn các cô Bùi Thị Ngọc Lưu, Nguyễn Thị Đoàn, Phan Thị Nhã, Nguyễn Thanh Bích, Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Thị Sinh, Nguyễn Thị Bốn, Nguyễn Thị Kim, Chử Thị Khanh, Nguyễn Kim Lý, Bùi Ngọc Tuyết… với sự tài hoa, tâm huyết và yêu nghề đã tạo dấu ấn không phai trong lòng phụ huynh và học sinh.

Dưới sự dìu dắt của các thầy cô giáo, thế hệ học sinh trong giai đoạn này tiếp tục làm rạng danh tên tuổi của ngôi trường thân yêu. Đó là các gương mặt tiêu biểu: Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế - Bộ tài chính Vũ Như Thăng, Cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại – Bộ Công thương Bùi Huy Sơn, Giám đốc Hãng phim Truyền hình Việt Nam Đỗ Thanh Hải; Nghệ sĩ Ưu tú Công Lý, Danh ca Lê Hồng Nhung, nhà báo Đỗ Hồng Cư, Phó Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet air Nguyễn Thúy Bình,…

 

Trong giai đoạn này, mặc dù cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động dạy và học của trường còn thiếu thốn, song với tinh thần vượt khó vươn lên, thầy trò nhà trường tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục. Các tổ Lao động XHCN vẫn duy trì, phát triển, số lượng Chiến sĩ thi đua, Giáo viên Giỏi cấp thành phố, cấp quận ngày càng nhiều.

Bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo sát sao, cụ thể, có hiệu quả của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, các cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường còn nhận được sự đồng hành, giúp đỡ có hiệu quả của phụ huynh học sinh và các cơ quan, đơn vị kết nghĩa, đặc biệt là Câu lạc bộ Quân đội…

 

V. GIAI ĐOẠN 5 (1991 – nay) NGÔI TRƯỜNG “THAY ÁO MỚI”

 

Từ năm học 1991 - 1992, thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Phổ thông cơ sở cấp 1, 2 Phan Chu Trinh tách thành 2 trường với 2 cấp học: Trường Tiểu học Phan Chu Trinh và trường THCS Phan Chu Trinh. Năm học 1993 - 1994, trường THCS Phan Chu Trinh chuyển về địa chỉ số 24 Nguyễn Công Hoan, còn Trường Tiểu học Phan Chu Trinh tiếp tục ở lại địa chỉ 40 - 42 Nguyễn Thái Học cho tới ngày hôm nay

 

Những nhà giáo hết lòng vì sự nghiệp giáo dục.

 

Từ đây, trường Tiểu học Phan Chu Trinh bước sang một giai đoạn phát triển mới dưới sự lãnh đạo của các thế hệ Ban giám hiệu:

- Cô Hiệu trưởng Vũ Thị Minh Hiền, cô Phó hiệu trưởng Phạm Tuyết Dung (từ năm 1991 - 2006).

 

Lễ khai giảng năm học 1991 - 1992

 

- Cô Hiệu trưởng Phạm Thị Tuyết Dung (từ năm 2006 - 2009), cô Phó hiệu trưởng Cấn Thị Ngọc Bích (từ năm 2007 - 2008), cô Phó hiệu trưởng Lê Thị Anh Thư (từ năm 2008 - 2009).

- Cô Hiệu trưởng Lê Thị Anh Thư (từ năm 2009 đến nay), cô Phó hiệu trưởng Bùi Tú Lan (từ năm 2009 – 3/2016), cô Nguyễn Ngọc Anh (từ tháng 9/2016 – 8/2019), cô Phan Thị Phi Nga (từ tháng 3/2020 đến nay).

 

Lễ khai giảng năm học 1991 - 1992

 

Thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục cùng với việc thay sách giáo khoa, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh đã chuyển dần sang học 2 buổi/ ngày để có điều kiện chăm lo tốt hơn sức khỏe, tâm lý, sự phát triển toàn diện của học sinh. Các con học sinh đến trường ngoài việc học tập còn được chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ để cha mẹ yên tâm công tác.

Khó có thể nói hết được nỗi vất vả của các cô giáo khi phải vừa làm tốt công tác chuyên môn, vừa chăm sóc các con sinh hoạt bán trú tại trường. Vậy là từ việc chỉ tới trường nửa ngày, các cô đã làm việc gấp đôi thời gian. Không những vậy, cơ sở vật chất của nhà trường lúc bấy giờ còn thiếu thốn. Song với lòng yêu nghề, mến trẻ, chương trình dạy học 2 buổi/ ngày và hoạt động bán trú dần đi vào ổn định, chất lượng dạy học và giáo dục ngày càng được nâng cao, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục toàn diện.

Trong giai đoạn này, nhà trường tiếp tục duy trì được truyền thống dạy tốt - học tốt. Bên cạnh những giáo viên giàu kinh nghiệm, chuyên môn vững vàng như cô giáo Ngô Lan Hương, Đỗ Thu Hà, Nguyễn Thị Cậy, Cao Thị Thư, Nguyễn Ngọc Lan, Cao Thị Dung, .. các giáo viên trẻ của nhà trường đã tích cực tham gia các cuộc thi giáo viên Giỏi cấp Quận và Thành phố và đạt thành tích cao như: cô Bùi Tú Lan, Đoàn Đông Phương, Nguyễn Thị Bích Thủy, Lê Thị  Anh Thư, Trần Ánh Nguyệt, Dương Lan Phương, Hoàng Uyển Diễm, Phạm Thị Chi, Nguyễn Thị Huyền… Nhắc đến phong trào Vở sạch - Chữ đẹp của nhà trường là nhớ ngay đến các cô giáo Lê Thị Hiếu, Lương Thu Hà, Phan Thị Phúc, Cấn Thị Ngọc Bích,.. những người có nhiều năm kinh nghiệm rèn chữ đẹp cho học sinh. Cô Trần Thị Mai, Nguyễn Mộng Loan, Trần Thị Bích Liên, Nguyễn Thị Thắng, Đoàn Thị Kim Lan, Đỗ Hồng Vân,.. luôn được các giáo viên trong trường cũng như học sinh, phụ huynh trân trọng bởi tác phong sư phạm mẫu mực cùng sự chân thành trong giao tiếp.

 

 

 

 


Một tập thể giáo viên hết lòng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, góp phần tạo nên bề dày truyền thống lịch sử vẻ vang của Trường Tiểu học Phan Chu Trinh

 

Năm 1999, trường được vinh dự tiếp đón các thế hệ giáo viên và học sinh Trường Phan Chu Trinh đã giảng dạy và học tập tại trường từ năm 1946. Đó là cuộc gặp mặt đầu tiên, đông đủ nhất, xúc động nhất. Đặc biệt, buổi gặp mặt có sự tham gia của Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, người cháu ngoại của cụ Phan Chu Trinh và ba chị em gái là Đặng Bích Hà, Đặng Thanh Lê, Đặng Anh Đào, là các con của cụ Đặng Thai Mai, Hiệu trưởng đầu tiên của nhà trường… Tất cả đều nghĩ về nhà trường với những kỉ niệm đầy tươi sáng. Đồng thời đặt niềm tin, thế hệ thầy và trò Trường Tiểu học Phan Chu Trinh sẽ tiếp bước tự hào, xứng đáng với truyền thống lịch sử quý báu của nhà trường.

Vinh dự biết bao, nhân dịp kỉ niệm 60 năm ngày thành lập, thầy và trò nhà trường lại được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đại diện  gia tộc và con cháu cụ Phan Chu Trinh, bà Nguyễn Thị Bình, Nguyên Phó Chủ tịch nước trao tặng bức tượng đồng bán thân cụ Phan Chu Trinh tại trường.

 

 

Cuộc gặp mặt lịch sử giữa các thế hệ thầy và trò năm 1999.

 

 

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cùng thầy trò nhà trường trong lễ đón nhận tượng nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh.

 

Cùng với sự đổi thay, phát triển của đất nước, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh cũng dần thay đổi diện mạo. Năm học 2001 - 2002, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh được “thay áo mới”.  Ngôi trường được xây dựng từ thời Pháp với mái ngói đỏ, cầu thang gỗ đơn sơ, lớp học chật hẹp, nay được thay thế bằng các dãy nhà ba tầng khang trang, sạch đẹp. Cùng với đó, các hộ dân sống trong khuôn viên trường đã được di dời, mang lại môi trường sư phạm thân thiện cho nhà trường.

 

 

Ngôi trường “thay áo mới”

 

Năm học 2007 - 2008, với sự giúp đỡ quý báu của phụ huynh học sinh, hệ thống sân trường được cải tạo, nâng cấp với những hàng gạch đỏ vừa sạch đẹp, vừa đảm bảo an toàn cho các em khi vui chơi. Bên cạnh đó, các phòng học dần được trang bị hệ thống máy tính, máy chiếu, điều hòa, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho các con học sinh và góp phần đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại.

Năm học 2011 - 2012, nhà trường tiếp tục được UBND quận Ba Đình quan tâm đầu tư lắp hệ thống kính chống ồn và cải tạo sửa chữa một số hạng mục đã xuống cấp. Cũng từ những năm học này, một số phòng chức năng của nhà trường được xây dựng đạt chuẩn như phòng thư viện, phòng học tin học.

 

Năm học 2013 - 2014, để hướng tới kỉ niệm 70 năm thành lập trường, Ban giám hiệu đã xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện giai đoạn 2014 - 2016, đồng thời thực hiện lộ trình giảm số lớp và sĩ số từng lớp, để đảm bảo phòng học, phòng chức năng, hướng tới xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

 

 

Phòng đọc sách thư viện của chúng em

 

 

Chúng em thăm phòng truyền thống

 

 

Các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên trường Tiểu học Phan Chu Trinh hân hoan hướng tới kỉ niệm 70 năm thành  lập trường

 

Năm học 2015 - 2016, một tin vui vừa kịp đến với tập thể giáo viên, phụ huynh, học sinh trong không khí nhà trường náo nức chuẩn bị cho Lễ kỉ niệm 70 năm ngày thành lập, đó là trường đã được xây thêm 1 dãy nhà 3 tầng mới với các lớp học khang trang và các phòng chức năng hiện đại. Kể từ đây, nhà trường đã khắc phục được tình trạng nghỉ học luân phiên sau 17 năm dài.

 

 

TIẾP BƯỚC TRUYỀN THỐNG

 

Vinh dự và tự hào biết bao khi được cống hiến và học tập dưới ngôi trường giàu truyền thống lịch sử, ngôi trường đầu tiên của cách mạng. Thầy và trò trường Tiểu học Phan Chu Trinh hôm nay không ngừng nỗ lực phấn đấu, thi đua dạy tốt - học tốt, xây dựng trường học hiện đại, thân thiện, đào tạo lớp lớp học sinh tích cực, có đầy đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. 74 năm đã trôi qua, nhưng dưới mái trường này, truyền thống yêu nước, “Tất cả vì học sinh thân yêu” tiếp tục được thắp sáng mãi theo thời gian và năm tháng.

 

 

Bước vào thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với những thách thức đổi mới toàn diện, Ban giám hiệu nhà trường xác định rõ: giáo dục không phải là truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành các công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả, sáng tạo những kiến thức đã học. Theo đó, nhà trường đã chú trọng hơn việc rèn luyện cho học sinh sự năng động, có tư duy độc lập, có khả năng phát hiện, giải quyết vấn đề, hợp tác làm việc theo nhóm...

 

 

 Chính vì vậy, trong mỗi tiết học, đội ngũ giáo viên nhà trường luôn tích cực đổi mới các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát huy năng lực, tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin hiện đại vào hoạt động dạy học. Song song với việc tổ chức các hoạt động dạy học nhằm giúp học sinh chiếm lĩnh những kiến thức, kĩ năng mới, nhà trường cũng rất coi trọng tổ chức các hoạt động học tập trải nghiệm sáng tạo. Học sinh nhà trường không chỉ được tham gia các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong từng môn học mà còn được tham gia trải nghiệm dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: hoạt động câu lạc bộ, tổ chức trò chơi, sân khấu tương tác, tham quan dã ngoại, tổ chức các hội thi, hoạt động giao lưu, hoạt động nhân đạo, hoạt động cộng đồng, thể dục thể thao, tổ chức các ngày hội…

 

 

Chính nhờ nỗ lực phấn đấu không ngừng, những năm qua, nhà trường đã đạt được những thành tích đáng tự hào:

+  Các năm học 2015 - 2016, 2016 - 2017, 2017 - 2018, nhà trường liên tục đạt danh hiệu Tập thể lao động Xuất sắc của ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô.

+ Năm học 2015-2016, nhà trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen “Trường Tiểu học Phan Chu Trinh đã có thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển giai đoạn 1946 -2016”.

+ Năm học 2017 - 2018, nhà trường đón nhận bằng khen của Bộ giáo dục và đào tạo: “Đã có thành tích Xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trọng dạy và học”.

+ Năm học 2017-2018, nhà trường cũng đã hoàn thành Kiểm định chất lượng giáo dục mức độ 2 và tiếp tục hướng tới đạt kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường chuẩn quốc gia mức độ 2 vào năm học 2020-2021

+ Năm học 2018-2019, nhà trường vinh dự đón nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội.

 

Năm học 2019 - 2020 đánh dấu một bước phát triển vượt bậc trong quá trình xây dựng và phát triển trong thời đại mới. Ngôi trường 73 năm tuổi sẽ được phá dỡ để xây mới. Tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nhà trường đồng lòng vượt khó khăn: học nhờ tại hai điểm trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực và Trung học Cơ sở Nguyễn Công Trứ. Dẫu biết sẽ có nhiều khó khăn trong quá trình dạy và học tại 2 điểm trường, song tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường vẫn nỗ lực quyết tâm xây dựng và thực hiện mục tiêu thi đua: Triển khai tốt chương trình giáo dục phổ thông mới, thay sách giáo khoa lớp 1; đạt kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường chuẩn quốc gia mức độ 2; trở thành lá cờ đầu trong ngành giáo dục Thủ đô hướng tới kỉ niệm 75 năm thành lập trường Tiểu học Phan Chu Trinh vào năm 2021-2022.

 

 

Với mục tiêu tạo dựng một nền giáo dục toàn diện về Đức - Trí  - Thể - Mĩ cho các con học sinh vững bước vào cuộc sống, Nhà trường sẽ luôn lấy kỉ cương, nền nếp làm nền tảng, sự tâm huyết, yêu nghề của giáo viên làm động lực và sự tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh là điều kiện Học sinh sẽ trưởng thành trong sự tài hoa và tình yêu  thương của các thầy giáo, cô giáo. Các thầy cô không chỉ là người tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ các con trong quá trình tiếp nhận tri thức, rèn luyện kĩ năng, mà còn là những người bạn lớn của các con, luôn đồng hành cùng các con trong mọi hoạt động, sẻ chia với các con mọi điều trong cuộc sống. Thầy cô sẽ hiểu được con muốn gì, sẽ biết được tài năng, thiên hướng, hay đam mê của con, để định hướng cho các con đi đúng con đường của mình, phát huy được hết những thế mạnh của bản thân và trở thành một người có ích cho gia đình, xã hội.

Với truyền thống “Thầy say mê dạy, trò tích cực học” tập thể Nhà trường sẽ nỗ lực không ngừng để xây dựng Trường trở thành “Ngôi nhà của những ước mơ và lòng nhân ái”.

Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Chia sẻ: