Trang chủ Hoạt động giáo dục Hoạt động Thư viện

Giới thiệu sách chủ điểm: Mừng Đảng - Mừng Xuân Cuốn sách “Bác Hồ chúc mừng năm mới”

12/02/2022 301

Từ mùa xuân năm 1946 cho đến mùa xuân 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trên 20 bài thơ chúc mừng năm mới. Mỗi bài thơ là một lời đúc kết, đánh giá những thắng lợi trong năm qua, đề ra phương hướng tiến lên cho cả nước trong năm tới. Thơ chúc Tết của Người đã thấm sâu vào tư tưởng và tình cảm của mọi người, tạo nên sức mạnh đầy khích lệ trong chiến đấu và sản xuất.

 

Cảm xúc về mùa xuân luôn ùa về và lắng đọng trong thơ Bác. Thêm một mùa Xuân mới đã về và cũng là thêm một mùa Xuân vắng Bác, nhưng lý tưởng của Bác, tình cảm của Bác vẫn còn mãi với non sông, đất nước.

Với chủ điểm “Mừng Đảng - Mừng Xuân”, chuyên mục “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng” kết hợp cùng Thư viện trường TH Phan Chu Trinh giới thiệu đến thầy, cô giáo cùng các em học sinh cuốn sách “Bác Hồ chúc mừng năm mới” do tác giả Nguyễn Phương Hảo tổng hợp, được NXB Văn hoá Thông tin ấn hành năm 2010.

Sinh thời, Bác để lại cho chúng ta nhiều bài thơ chúc Tết. Bài nào cũng chỉ có từ bốn đến mười câu. Với Bác, văn hay thơ, nghệ thuật hay tuyên truyền đều vì mục đích cao cả là phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Thơ ca chính là con người. Vì vậy những bài thơ chúc Tết của Bác luôn giản dị, chân thành, tràn đầy tình cảm gắn bó giữa lãnh tụ với nhân dân như chính cuộc đời của Bác.

Một nhà triết học Ấn Độ khi nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:  “Đức tính giản dị là một trạng thái trong sáng nhất của tâm hồn. Bác Hồ mặc bộ quần áo giản dị, viết bằng thứ ngôn ngữ giản dị, xuất hiện một cách giản dị với vẻ mặt tươi cười làm tỏa ra sự trong sáng của một tâm hồn giản dị…”.

Với những bài thơ chúc Tết, Bác đã nói rõ ràng:

                             Mấy lời thành thật nôm na

                        Vừa là kêu gọi vừa là mừng Xuân.

Kêu gọi vì Bác là lãnh tụ của dân tộc. Bác chúc Tết đồng bào vì những tình cảm yêu thương, quý trọng mà Người đã suốt đời dành cho nhân dân yêu quý của mình.

Sau ngày Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không lâu, thực dân Pháp đã quyết tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 19/12/1946, Bác Hồ và Trung ương ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Là người đứng đầu Chính phủ, chèo lái con thuyền cách mạng trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn, ít ai có thể ngờ rằng đúng giao thừa năm ấy (sau khi họp Hội đồng Chính phủ để bàn về công việc cấp bách của kháng chiến), Bác đã có mặt ở Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam (sơ tán ở chùa Trầm, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông cũ) để đọc thơ chúc Tết. Đó là bài mừng Xuân Đinh Hợi 1947:

Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,

Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.

Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,

Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.

Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào

Sức ta đã mạnh, người ta đã đông

                             Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!

Thống nhất độc lập, nhất định thành công.

Bài thơ chính là tiếng kèn xung trận, là lời hiệu triệu của Bác Hồ gửi đến chiến sĩ đồng bào cả nước, thể hiện niềm tin tất thắng của Người. Sau này Giáo sư Hà Minh Đức đã viết: "Đây là một trong những bài thơ chúc Tết hay nhất của Bác Hồ. Cả bài thơ là một áng hùng văn, một khúc ca chiến đấu và chiến thắng". Còn nhà phê bình văn học Hoài Thanh thì viết: "Cả bài thơ phơi phới như buồm căng trước gió, đó là một bài thơ của một niềm tin vững chắc, tiếng nói của những người chiến thắng".

Bài thơ chúc Tết cuối cùng Bác để lại cho nhân dân ta là bài chúc Tết Xuân Kỷ Dậu 1969:

Năm qua thắng lợi vẻ vang,

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.

Vì độc lập, vì tự do,

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào.

Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào

Bắc - Nam sum họp,  xuân nào vui hơn!

Đã 53 năm, cả dân tộc ta vào dịp Tết đến, xuân về không còn được nghe những bài thơ chúc Tết của Bác nhưng dư âm những bài thơ chúc Tết năm nào, mà các câu kết thường là “Thống nhất độc lập nhất định thành công”, “Thống nhất nước nhà thắng lợi”, “Hòa bình thống nhất ắt hẳn thành công” và ở bài thơ năm 1969 “Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn”... vẫn còn vang vọng đến hôm nay.

Thực hiện lời Di chúc trong thơ của Bác, Đảng ta đã lãnh đạo sự nghiệp thống nhất năm sau thắng lợi càng to hơn năm trước. Năm 1972, sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri rút toàn bộ quân Mỹ ra khỏi miền Nam, rồi đến Đại thắng mùa xuân năm 1975 mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh” giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, đất nước ta đang từng bước chuyển mình theo con đường Bác Hồ đã chọn, thực hiện khát vọng cao đẹp của Người “vì độc lập, vì tự do”, xây dựng nước nhà ngày càng “to đẹp hơn, đàng hoàng hơn”.

Cùng với nguồn tư liệu phong phú, được trình bày khoa học theo hoàn cảnh lịch sử, thời gian và địa điểm…, cuốn sách còn cung cấp cho người đọc nhiều bức ảnh quý, một số mẫu thiếp chúc mừng năm mới của Bác Hồ. Chắc chắn rằng, cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích đối với thầy, cô giáo và các em học sinh nhà trường.

53 năm Bác đi xa, cùng với Di chúc, những tác phẩm thơ văn của Bác để lại là tài sản vô giá đối với dân tộc ta. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, là dịp chúng ta đọc lại từng câu, ngẫm nghĩ và cảm nhận bao điều lớn lao, sâu xa từ những dòng thơ bình dị của Bác - Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, người cha kính yêu của dân tộc Việt Nam.


Tác giả: Ban Truyền thông
 
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Chia sẻ: