Trang chủ Hoạt động giáo dục Hoạt động Thư viện

“Totto-chan bên cửa sổ” - Câu chuyện về ngôi trường của yêu thương

06/11/2021 275

 

          Chuyên mục “ Mỗi tuần một câu chuyện đẹp - Một cuốn sách hay - Một tấm gương sáng” của trường TH Phan Chu Trinh xin giới thiệu đến thầy cô và các em học sinh cuốn sách được nhiều thế hệ trẻ em trên thế giới yêu quý suốt hơn 30 năm qua - "Totto-chan bên cửa sổ" của nữ nhà văn Nhật Bản Kuroyanagi Tetsuko.

          Cuốn sách dày 355 trang, khổ 14x19cm  được dịch giả Trương Thùy Lan chuyển ngữ, do Nhã Nam và NXB Văn học tái bản năm 2017.

"Totto-chan bên cửa sổ"  là cuốn tự truyện tuổi thơ của tác giả, nhà văn Kuroyanagi Tetsuko, gồm 13 chương ngắn. Ngôi trường Tomoe trong truyện là một ngôi trường có thật do nhà cải cách giáo dục Sosaku Kobayashi thành lập năm 1937.

Totto-chan dưới nét vẽ của Iwasaki Chihiro

 

Với ngôn từ hồn hậu, trong sáng, tác giả đã kể câu chuyện xoay quanh Totto-chan, tên gọi thân mật của Tetsuko, một cô bé tốt bụng, luôn yêu thương mọi người và hiếu kì về mọi điều ở thế giới xung quanh. Trường tiểu học gần nhà đã sớm cho Totto-chan thôi học khi em mới nhập trường được vài hôm với lý do em quá nghịch ngợm, khác thường làm ảnh hưởng đến việc dạy và học ở nhà trường.

Cho rằng nhà trường không hiểu con gái mình, mẹ của Totto-chan đã đưa em tới học ở trường tiểu học Tomoe Gakuen của thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku.

Trường Tomoe rất đặc biệt: có lớp học là những toa tàu cũ, cả trường chỉ có năm mươi học sinh, ai cũng đặc biệt như Totto-chan, thậm chí có cả những em bị khuyết tật.

Thầy hiệu trưởng Kobayashi rất yêu thương và tôn trọng học sinh của mình, luôn để chúng tự do phát huy cá tính, khả năng bẩm sinh. Thầy sẵn sàng nghe cô bé Totto-chan nói say sưa suốt gần 4 tiếng trong buổi gặp mặt đầu tiên.

Ở trường Tomoe, bọn trẻ được tự do chọn chỗ ngồi và không có thời khoá biểu nhất định, học sinh thích học môn gì nhất thì cứ tự học môn đó trước, những môn không thích thì học sau cùng. Các thầy cô chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn các em khi cần và cho bài tập. Nếu hoàn thành nội dung học tập, buổi chiều các em có thể được tự do dạo chơi cùng cô giáo.

Cũng ở ngôi trường ấy, các em được hướng dẫn ăn đủ chất dinh dưỡng bằng một cách riêng, đó là chuẩn bị một bữa ăn có cả “thức ăn của đất” và “thức ăn của biển”; được tổ chức cắm trại, du lịch, tham gia làm đồng, tự nấu thức ăn,… để làm quen với các công việc, mở mang tầm mắt, gần gũi với thiên nhiên.

 

Tự do phát huy cá tính, khả năng ở ngôi trường của thương yêu

 

 Cuốn sách chứa đựng rất nhiều thông điệp về việc giáo dục trẻ nhỏ của thầy Hiệu trưởng Sosaku Kobayashi, đó đơn giản chỉ là yêu thương trẻ, để trẻ tự do phát triển cá tính của mình, song hành cùng các em và sống hạnh phúc mỗi ngày.  Chính thầy Hiệu trưởng cùng ngôi trường của yêu thương Tomoe đã chắp cánh cho ước mơ của những đứa trẻ trong “Totto-chan bên cửa sổ” bay cao và trở thành hiện thực.

Cuốn sách đáng để chúng ta tìm đọc hơn một lần để mở ra cánh cửa thần tiên đưa ta đến với những góc nhìn vô tư của tuổi thơ và trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc của bản thân.

 


Tác giả: Ban Truyền thông
 
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Chia sẻ: