Trang chủ Hoạt động giáo dục Hoạt động tập thể

Tập huấn Kĩ năng giao tiếp ứng xử trong nhà trường - buổi tập huấn thiết thực, ý nghĩa đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trường Tiểu học Phan Chu Trinh

23/07/2023 879

Công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên luôn được Ban giám hiệu trường Tiểu học Phan Chu Trinh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Tháng 7 năm 2023, nhà trường đã tổ chức hai đợt tập huấn rất thiết thực, ý nghĩa đối với các thành viên trong Hội đồng sư phạm. Nếu buổi tập huấn Công nghệ thông tin diễn ra vào ngày 4 và ngày 5/7/ 2023 giúp cán bộ, giáo viên những kiến thức, kĩ năng để hòa nhập với công cuộc chuyển đổi số thì đợt tập huấn Kĩ năng giao tiếp ứng xử trong nhà trường được tổ chức vào ngày 21/7/2023 lại giúp đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên có thêm những kiến thức, kĩ năng để xây dựng một môi trường học tập tích cực, tạo sự gắn kết và tương tác hiệu quả giữa thầy với trò, giữa giáo viên với cha mẹ học sinh. Tập huấn Kĩ năng giao tiếp ứng xử là hoạt động rất phù hợp khi trường Tiểu học Phan Chu Trinh chuẩn bị bước vào giai đoạn hai của dự án xây dựng trường học hạnh phúc.

 

 

Tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trường Tiểu học Phan Chu trinh tham gia tập huấn Kĩ năng giao tiếp ứng xử trong nhà trường
 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường, phó viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia đã mang lại buổi tập huấn thực sự hữu ích đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.

 

Trong buổi tập huấn Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường đã giúp mọi thành viên tham dự nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của kĩ năng giao tiếp ứng xử trong nhà trường. Kĩ năng giao tiếp ứng xử giúp giáo viên xây dựng môi trường học tập tích cực. Khi giáo viên đạt được các kĩ năng này họ có thể tạo ra ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của học sinh và cộng đồng giáo dục. Giáo viên có thể dùng kĩ năng giao tiếp giúp học sinh thoải mái, tự tin tham gia vào quá trình học tập. Kĩ năng giao tiếp ứng xử giúp giáo viên thiết lập mối quan hệ tôn trọng, tin cậy đối với học sinh cũng như cha mẹ học sinh. Bằng kiến thức sâu rộng, bằng kinh nghiệm dày dặn của người trải qua nhiều vị trí công tác: từng là giáo viên, là nhà quản lý, nhà nghiên cứu, bằng nhiệt huyết tràn đầy, giảng viên mang lại cho đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường những kiến thức quý báu về giao tiếp bằng ngôn ngữ cũng như giao tiếp phi ngôn ngữ. Bài giảng của Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường đi sâu vào kĩ năng giao tiếp trong hai mối quan hệ: giáo viên – học sinh, giáo viên – cha mẹ học sinh. Gần 50 thành viên nhà trường tham dự buổi tập huấn đều bị cuốn hút bởi cách truyền đạt nhẹ nhàng, cách đặt vấn đề độc đáo, cách dẫn dắt vấn đề hấp dẫn, duyên dáng, cách giải quyết vấn đề nhẹ nhàng, hiệu quả. Kết thúc tập huấn mọi thành viên đều thấy thoải mái, tràn đầy động lực. Thời gian tập huấn trôi đi thật nhanh, ai cũng muốn nán lại để được nghe nhiều hơn nữa những chia sẻ giản dị, gần gũi của giảng viên. Tất cả những điều Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường mang lại đều quá thiết thực với công việc của mỗi thành viên nhà trường. Từ những kiến thức mang tính lí luận cho tới cách xưng hô sao cho gây thiện cảm, từ cách lựa chọn ngôn từ sao cho phù hợp hoàn cảnh và đối tượng giao tiếp, cách điều chỉnh âm lượng giọng nói, từ ánh mắt, nét mặt, cử chỉ cho tới cách trọn vị trí đứng, cách tạo khoảng cách phù hợp khi giảng bài, khi họp cha mẹ học sinh, rồi cả những mẹo giúp giáo viên hạn chế thói quen không phù hợp hoàn cảnh giao tiếp…. tất cả đều được giảng viên chia sẻ tận tình trong buổi tập huấn. Những điều đọng lại trong mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên không chỉ là kĩ năng giao tiếp. Buổi tập huấn giúp học viên nhận thức rõ hơn trách nhiệm của bản thân đối với tập thể, họ thực sự thấm nhuần: câu chuyện giao tiếp không chỉ là câu chuyện cá nhân, tạo được giá trị cho tập thể cũng là tạo dựng giá trị cho mỗi cá nhân và ngược lại. Những triết lý giáo dục sâu sắc của ông cha được giảng viên nhắc lại đồng thời soi chiếu vào cách giáo dục trong thời đại 4.0 giúp mỗi thành viên sau tập huấn thấy rõ hơn cần tôn trọng sự khác biệt của trẻ, giúp họ chú ý hơn đến việc giữ gìn hình ảnh người thầy mọi lúc mọi nơi, chấm dứt việc áp đặt lên trẻ, quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của phụ huynh, khéo léo hơn khi giao tiếp để tạo dựng niềm tin, tạo sự đồng thuận của phụ huynh đối với hoạt động giáo dục toàn diện của nhà trường.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên nhân viên trường Tiểu học Phan Chu Trinh có độ tuổi trung bình khá cao nhưng tuổi tác chưa bao giờ ảnh hưởng tới tinh thần ham học hỏi, ý thức tự giác trau dồi chuyên môn nghiệp vụ của họ. Trong những ngày hè, họ sẵn sàng gác lại việc riêng, thu xếp việc gia đình theo kế hoạch Ban giám hiệu đã thông báo ngay từ cuối năm học để đến dự tập huấn đông đủ. Họ học tập, tiếp thu kiến thức, kĩ năng công nghệ thông tin cũng như kĩ năng giao tiếp ứng xử bằng sự nghiêm túc và tinh thần cầu thị, mong muốn được cải thiện trình độ chuyên môn nghiệp vụ của bản thân.
 


Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường lắng nghe chia sẻ của giáo viên trường Tiểu học Phan Chu trinh trong buổi tập huấn
 

 

Nguyên lý giáo dục “ Từ trái tim đến trái tim” được Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường nhắc lại nhiều lần trong buổi tập huấn chắc chắn sẽ đi cùng đội ngũ giáo viên trong mỗi giờ lên lớp, mỗi cuộc họp phụ huynh, mỗi hoạt động giáo dục. Tiếp nối một năm học 2022 – 2023 thành công, trường Tiểu học Phan Chu Trinh sẽ lại có một năm học 2023 – 2024 ngập tràn hạnh phúc. Chắc chắn là vậy, bởi lẽ hôm nay trong buổi tập huấn những gì đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên có được đâu chỉ là lý thuyết. Cách truyền cảm hứng tới người học, cách sử dụng ngôn từ cho tới nét mặt, ánh mắt, cử chỉ chuẩn mực của giảng viên trong buổi tập huấn và cả cách Tiến sĩ Nguyễn Thu Hường chăm chú lắng nghe, thấu hiểu, trân trọng ý kiến chia sẻ của mỗi thành viên trong buổi tập huấn chính là “ giáo cụ” trực quan sinh động nhất để đội ngũ cán bộ, giáo viên học tập, noi theo. Những câu chuyện, những tình huống sư phạm giảng viên lồng ghép trong bài giảng đều khiến mỗi thành viên trăn trở, suy ngẫm để rồi tìm ra cách xử lý tốt hơn trong thực tế khi gặp những tình huống tương tự. Năm học tới đây với những kiến thức, kĩ năng được trang bị trong các đợt tập huấn mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường sẽ hoàn thiện bản thân, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của trường Tiểu học Phan Chu Trinh – ngôi trường đang cố gắng hết mình để xây dựng Trường học Hạnh phúc.
 

Sau đây là một số hình ảnh của buổi tập huấn Kĩ năng giao tiếp ứng xử trong nhà trường

 

Ban Truyền thông.
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 3 đánh giá
Chia sẻ:
TIN KHÁC