Trang chủ Hoạt động giáo dục Hoạt động Thư viện

“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” - Thế giới qua đôi mắt trẻ em

12/03/2022 294

   Truyện dài “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dẫn dắt độc giả đi theo dòng hồi tưởng của mình, trở về cái thời còn là cậu bé tám tuổi, mang đến cho người đọc một thế giới tuổi thơ hồn nhiên, đầy ắp tiếng cười.

Tuần này, Chuyên mục “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng” kết hợp cùng Thư viện trường TH Phan Chu Trinh giới thiệu đến thầy, cô giáo cùng các em học sinh cuốn truyện dài “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, cuốn sách từng được trao tặng Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2010.

“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” gồm 12 chương với 12 câu chuyện khác nhau xoay quanh 4 đứa trẻ trong cùng một khu xóm, đó là con Tủn, con Tý sún, thằng Hải cò và thằng cu Mùi. Người kể chuyện là cu Mùi dưới hình thức kể của “thằng cu Mùi” lúc bé và nhận xét, đánh giá của “ông Mùi” khi đã gần 50 tuổi. Cùng với đó còn có sự xuất hiện của các vị phụ huynh và những câu chuyện dở khóc dở cười.

Cuốn truyện được NXB Trẻ phát hành lần đầu năm 2008. Tựa đề “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” được tác giả Nguyễn Nhật Ánh lấy ý tưởng, cảm hứng từ một bài thơ tạm dịch là “Vé đi tuổi thơ” của nhà văn người Nga Robert Ivanovich Rozhdestvensky.

Nguyễn Nhật Ánh với giọng văn hồn nhiên, mộc mạc và dí dỏm đã mang đến cho người đọc một thế giới tuổi thơ hồn nhiên đầy ắp tiếng cười. “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” mở ra một thiên đường lồng lộng tiếng cười của trẻ thơ, với cách nhìn hài hước, châm biếm về những đổi thay và sự khác biệt giữa thế giới của người lớn và trẻ nhỏ. Truyện có những tình huống gây cười nhưng ẩn sau đó là triết lí sống đáng để suy ngẫm.

Có thể nói, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” là một khúc tâm tình xuyên suốt nhiều thế hệ. Trong đó, có những khúc vui tươi hồn nhiên, lại có những khúc trầm lặng, man mác. Nhưng trên hết, khi đọc xong tác phẩm, mỗi thế hệ sẽ có một cách nhìn và cảm nhận riêng. Đối với lứa tuổi thiếu niên, các em sẽ tìm được đâu đó sự thấu hiểu và đồng cảm. Còn với những người trưởng thành, đó là sự suy ngẫm về những chuyện đã qua, biết mình đúng hay sai ở chỗ nào và đôi khi là một nụ cười khi chợt nhận ra mình cũng đã từng như thế, cho đến sự nuối tiếc vì mình đã cách xa vùng trời bình yên đó rồi.

Chiếc tàu chở tuổi thơ đã đi rất xa, khiến lòng ta càng thêm vương vấn, nuối tiếc và ai trong chúng ta khi lớn lên cũng vậy, cũng muốn được trở về tuổi thơ một lần, để được nằm gọn trong vòng tay của mẹ, được ngây dại thêm một lần nữa.

Hãy đọc và tự hoà mình vào nhân vật để sống, để hiểu và cảm nhận một cách sâu sắc nhất, tâm hồn bạn sẽ tìm được cảm giác bình yên đến lạ từ sâu tận đáy lòng:

Hãy cho tôi xin một vé không hai, mà dầu hôm nay ga đông đường dài

Hãy cho tôi xin được trở về tuổi thơ, ngây ngô với bao mộng mơ

Hãy cho tôi xin một vé không hai, vé đi thôi không cần quay trở lại

Chỉ cần cho tôi được trở về ngày xưa, rong chơi với những ngày mưa

Hãy cho tôi xin hạng vé trung thôi, dẫu tháng năm có lớn thêm thật rồi

Chỉ cần cho tôi được trở về tuổi thơ thì tôi sẽ xin chờ hoài …


 
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Chia sẻ: