Trang chủ Hoạt động giáo dục Hoạt động Thư viện

Khơi dậy tình yêu với sách qua tiết đọc sách thư viện tại TH Phan Chu Trinh

27/02/2023 596

Tổng thống Barack Obama từng nói “Việc đọc rất quan trọng. Nếu bạn biết cách đọc, cả thế giới sẽ mở ra cho bạn”.
 


1.Tầm quan trọng của việc đọc sách với trẻ nhỏ

Sách là một người bạn đồng hành không thể thiếu của các con trong hành trình tiếp nhận tri thức. Đọc sách mang lại nhiều ích lợi khác nhau cho cuộc sống của con người. Sách phục vụ nhiều đối tượng, nhiều ngành nghề, lứa tuổi. Với trẻ em, đọc sách đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Nhưng trước hết phải xác định rằng, lứa tuổi thiếu nhi là giai đoạn quan trọng nhất trong việc hình thành thế giới quan, sự hiểu biết và đặc trưng tính cách của các em. Các em còn nhỏ, khả năng nhận thức thế giới còn ở phạm vi hẹp nên sách được coi là phương tiện tốt nhất giúp các em tích lũy kiến thức, mở rộng hiểu biết về thế giới xung quanh.

2.Mô hình Thư viện Thân thiện

Để triển khai tiết học thư viện hiệu quả, phòng đọc được bố trí có góc tra cứu, góc trò chơi, góc viết vẽ; có đủ không gian để học sinh tham gia các hoạt động: cá nhân, cặp đôi, nhóm; có đủ không gian phục vụ việc mượn, trả sách. Sự thân thiện, thoải mái về không gian của thư viện cũng làm cho các em hào hứng với việc đọc sách; tạo cho các em thói quen đọc sách, qua đó học được nhiều điều bổ ích từ sách.

Cùng với đó, các trang thiết bị trong thư viện được sắp xếp hợp lý để học sinh dễ dàng di chuyển chọn sách và vật phẩm giáo dục. Sách được trưng bày trên kệ mở, được dán mã màu. Kệ sách được thiết kế phù hợp với chiều cao của học sinh tiểu học; các đồ vật khác như: thảm xốp, bàn thấp, vật phẩm giáo dục cũng được trang bị và sắp xếp khoa học nhằm tạo ra môi trường đọc thân thiện.

3.Tiết đọc thư viện

Để thu hút học sinh đến thư viện, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh đã tích cực bổ sung các đầu sách, huy động sự đóng góp của học sinh, phụ huynh và đơn vị tặng sách cho nhà trường. Đến nay, thư viện nhà trường đã có hơn 6.000 đầu sách phong phú, từ truyện đến sách khoa học phù hợp với lứa tuổi học sinh để các em lựa chọn và tìm đọc.

Trong thời khóa biểu của mỗi lớp đã được bố trí một tiết học thư viện hàng tuần. Thời gian của mỗi tiết học thư viện đều có thời gian tương đương với các tiết học khác. Trong tiết đọc thư viện có các hoạt động đọc chính giúp phát triển thói quen đọc sách của học sinh. Những hoạt động đọc không tập trung vào dạy kỹ năng đọc mà mục đích chính của tiết đọc thư viện là hình thành và phát triển thói quen đọc sách .

Tuy nhiên, khi trẻ có thói quen đọc sách thì kỹ năng đọc sách phát triển ; kỹ năng đọc sách phát triển thì học sinh sẽ đọc tốt đồng thời sẽ phát triển về tư duy ngôn ngữ cũng như học tập được nhiều điều bổ ích.

4. Hiệu quả mang lại từ những tiết đọc thư viện

Tiết học thư viện đem đến cái nhìn tích cực cho trường Tiểu học Phan Chu Trinh về việc đọc sách, hình thành văn hóa đọc trong lứa tuổi học đường. Sự thân thiện,thoải mái về không gian làm cho các em hào hứng với việc đọc sách,cảm giác mong chờ đến tiết đọc hàng tuần. Từ đó, các em có thói quen mượn sách, sưu tầm sách; ngoài đọc ở lớp, các em đọc ở nhà, giảm được việc các em chơi game, chơi trò chơi điện tử hoặc các trò chơi thiếu lành mạnh khác. Các con không chỉ hăng say, hứng thú hơn trong việc đọc sách mà còn giúp rèn luyện, tích lũy vốn từ ngữ, rèn luyện đạo đức, lối sống đồng thời khơi gợi được khả năng sáng tạo để áp dụng trong cuộc sống và học tập tại trường.
 

Ban truyền thông.
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 5 đánh giá
Chia sẻ: