Trang chủ Tin tức Tin tức sự kiện

Trường Tiểu học Phan Chu Trinh tuyên truyền Phòng các dịch bệnh Mùa Đông - Xuân

22/01/2024 259

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay không khí
lạnh đã ảnh hưởng đến các nơi thuộc Bắc Bộ, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh nên khu vực Hà Nội sẽ có những ngày rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh. Bên cạnh đó, khí hậu mùa Đông Xuân là thời điểm thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút sinh sôi phát triển từ đó các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh mạnh đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa. Trẻ em là đối tượng có nguy cơ dễ mắc nhất do hệ miễn dịch chưa cao. Dưới đây là một số bệnh dịch phổ biến cần lưu ý và cách phòng tránh:

 

1. Bệnh về đường hô hấp:

- Niêm mạc đường hô hấp rất nhạy cảm với thời tiết lạnh. Khi hít thở không khí lạnh, niêm mạc hô hấp phản ứng lại bằng sự xung huyết, phù nề và tăng tiết dịch. Phản ứng còn xảy ra khi bị nhiễm lạnh ở những vùng ngoài bộ máy hô hấp như cổ, ngực, vùng lưng, bàn chân, đặc biệt là gan bàn chân. Sự phù nề và xung huyết đường hô hấp kéo dài sẽ là môi trường thuận lợi cho các loại vi sinh gây bệnh phát triển, tạo nên đợt bùng phát các bệnh mạn tính của đường hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh hen phế quản, bệnh viêm phế quản... nguy cơ quan trọng hơn là các bệnh cấp tính như: cúm, sởi, ho gà, quai bị, thủy đậu... phát triển.

Các bệnh này lây lan theo đường hô hấp qua các hạt nước bọt của người bệnh bắn ra khi nói chuyện hay ho khạc, làm người lành hít phải thường những bệnh như:

Viêm họng cấp tính

Bệnh thường xảy ra vào mùa đông, gặp cả ở người lớn và trẻ em. Triệu chứng đầu tiên là đau họng khi nuốt, sốt, khàn tiếng, ho do bị kích ứng ở đường hô hấp trên, có thể kèm theo sổ mũi. Nguyên nhân gây bệnh thường thấy do loại vi khuẩn liên cầu tan máu beta nhóm A, có nhiều trường hợp do vi rút. Nếu không được chữa trị hiệu quả, bệnh có thể dẫn đến viêm phổi, viêm khớp, biến chứng tại cơ tim và van tim.

 Viêm amidan

          Triệu chứng đầu tiên khi mắc bệnh viêm amindan, người bệnh cảm thấy khó nuốt, đau trong họng, cơn đau đôi khi kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Người bệnh có thể lạc giọng hoặc mất hẳn giọng nói, người bệnh cảm thấy rất mệt mỏi và có thể sốt cao hơn 38oC.

           Bên cạnh đó, khi mắc bệnh amidan người bệnh sẽ cảm thấy miệng khô đắng, lưỡi trắng, niêm mạc họng đỏ và góc hàm của người bệnh có thể nổi hạch.

Trong trường hợp bị viêm amidan mãn tính người bệnh sẽ ngáy khi ngủ và chủ yếu thở bằng miệng. Khi nói chuyện, sẽ phát âm giọng mũi hoặc khó khăn khi phát âm. Tình trạng amidan mãn tính nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra hội chứng ngưng thở khi ngủ và sẽ ảnh hưởng đến chức năng nghe của tai.

Viêm khí phế quản - viêm phổi

          Khí quản là ống dẫn lớn nhất trong hệ thống hô hấp. Viêm khí phế quản có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, thường sau khi thay đổi thời tiết hoặc bị viêm họng, viêm mũi do không chữa trị hiệu quả kịp thời hoặc theo diễn biến của bệnh... Nhiều trường hợp người mắc bệnh chỉ sổ mũi trong, ho nhẹ, nếu tình trạng này kéo dài, không điều trị đúng, trẻ dễ bị nhiễm trùng lan rộng và sâu hơn vào phế quản phổi, phế nang và nhu mô phổi rất nguy hiểm với các triệu chứng sốt cao, ho khạc, ho đờm đặc, có màu xanh hoặc vàng, người mệt mỏi, li bì.

2. Bệnh cảm cúm

Bệnh cúm chia ra nhiều dạng khác nhau: Cúm mùa, Cúm A, B, C, Cúm gia cầm,… Bệnh cúm thường lây lan qua đường hô hấp, giọt bắn, nước mũi/đờm của người bị bệnh nên có nguy cơ bùng phát mạnh. Đặc biệt với những đối tượng có sức đề kháng kém, không tiêm chủng đầy đủ vắc - xin thì bệnh có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.

Để phòng chống bệnh cúm, cần hiện tốt các biện pháp phòng ngừa như đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng chế tiếp xúc với người bệnh và tiêm chủng đầy đủ các loại vắc - xin phòng bệnh cúm hàng năm. Khi có các triệu chứng trên cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí và sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của các bác sĩ kê đơn và dược sĩ tư vấn.

3. Bệnh về đường tiêu hóa:      

Hiện nay tình trạng thời tiết diễn biến phức tạp rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển các bệnh lây truyền qua đường hô hấp đến đường tiêu hóa, bệnh do muỗi truyền như: tiêu chảy cấp, tiêu chảy do vi rút Rota,…đặc biệt dịch tả lợn Châu Phi đang diễn ra trên cả nước.

Mùa xuân chuyển sang hè cũng là thời kỳ thích hợp cho ruồi nhặng phát triển. Ruồi nhặng hay đậu vào những nơi ô nhiễm như phân, rác, xác súc vật chết, rồi đậu vào bát đĩa, thức ăn, đồ uống của người. Chân ruồi có nhiều lông, là chỗ chứa các vi khuẩn, virut gây bệnh, chúng reo rắc các mầm bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, viêm ruột, bệnh có thể lây lan thành dịch. Bệnh nhân có những biểu hiện đau bụng, đi ngoài nhiều lần, phân nhiều nước, nôn oẹ. Có trường hợp bị mất nước và chất điện giải, không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

4. Bệnh sởi, rubella

Bệnh sởi và bệnh rubella là 2 căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh chủ yếu lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người bệnh hoặc qua các con đường tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt chúng có nguy cơ lây lan và dễ dàng trở thành đại dịch, nhất là ở các trẻ em chưa được tiêm phòng vắc - xin sởi, rubella.

Triệu chứng báo hiệu của bệnh thường là sốt, phát ban và viêm đường hô hấp. Nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời có thể để lại các biến chứng nặng như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm não... dễ dẫn đến tử vong.

Cách phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân hiệu quả.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh như sau:

1. Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm …).

 2. Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.

 3. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp như sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm,…; nếu cần thiết phải tiếp xúc nên đeo khẩu trang.

4. Đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín, ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

5. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Trên đây là một số loại bệnh thường găp trong mùa Đông Xuân. Hy vọng qua bài tuyên truyền này sẽ giúp các em học sinh có thêm kiến thức để tự phòng bệnh cho bản thân mình và cộng đồng xung quanh. Mỗi em học sinh sẽ là một tuyên truyền viên cho ngành y tế vì một môi trường không có dịch bệnh./.

Ban Truyền thông.
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Chia sẻ: